Nhân sâm từ lâu được biết đến là loại thảo dược quý hiếm có tác dụng chống lão hóa, tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh tật. Người bệnh tiểu đường có dùng được nhân sâm không? cách dùng nhân sâm như thế nào và có lưu ý những gì không là những câu hỏi rất thường gặp. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp rõ các vấn đề trên nhằm giúp quý rõ hiểu rõ hơn tác dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường bằng nhân sâm.
Nhân sâm có tác dụng tăng chuyển hóa đường trong máu
Các nghiên cứu khoa họa đều cho rằng nhân sâm có tác dụng làm tăng chuyển hóa đường trong máu giúp hạ đường huyết. Ngoài ra, nhân sâm còn có tác dụng chống lão hóa, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng tạo máu, điều hòa chuyển hóa cholesterol,…
Trên lâm sàng người ta đã thấy rằng nếu dùng nhân sâm cùng với insulin thì có thể giảm bớt lượng insulin dùng điều trị, đồng thời giúp thời gian hạ đường huyết được kéo dài hơn.
Những lưu ý khi dùng nhân sâm của người bệnh tiểu đường
Khi dùng nhân sâm, lượng đường trong máu có thể giảm đáng kể. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường thì không nên dùng cùng một lúc với nhân sâm để tránh gây ra tình trạng tụt đường huyết, mức độ nặng có thể gây ra ngất tại chỗ.
Nhân sâm có tác dụng làm co mạch hệ thống mạch ngoại vi và làm huyết áp tăng lên. Vì vậy, nếu người bệnh tiểu đường có kèm theo bệnh tăng huyết áp thì không nên dùng nhân sâm.
Để tránh bị khó ngủ bạn không nên dùng nhân sâm gần thời gian đi ngủ. Liều dùng hợp lý là 5-10g / ngày. Kiêng kỵ: Không dùng chung với Lê lô (tên vị thuốc trong Đông y).
Bài thuốc trị bệnh tiểu đường từ nhân sâm
Bệnh tiểu đường có bệnh danh Đông y là “Tiêu Khát” có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, người gầy sút cân hoặc nước tiểu có vị ngọt. Nguyên tắc điều trị cơ bản của Đông y là dùng pháp thanh nhiệt lợi táo, dưỡng âm sinh tân.
Nhân sâm là vị thuốc quý có công dụng là: đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần. Nhân sâm được dùng trong bài thuốc “Sinh mạch tán phối hợp với Lục vị địa hoàng hoàn” để điều trị “Tiêu khát” thể khí âm lưỡng hư, có triệu chứng lâm sàng như: khát nước, ăn nhiều nhanh đói, đi tiểu nhiều lần, mệt mỏi, ngại nói, miệng khô khát nước, chóng mặt, lòng bàn tay bàn chân nóng, ăn kém bụng chướng, đại tiện lỏng, tự ra mồ hôi hay ra mồ hôi trộm.
Thành phần bài thuốc gồm Nhân sâm 6g, Mạch môn 12g, Ngũ vị tử 10g, Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 12g,Trạch tả 15g, Đan bì 12g, Bạch linh 12g. Mỗi ngày uống 1 thang. Sắc làm 3 lần uống trong ngày.
Việc điều trị tiểu đường nhằm mục đích ổn định đường huyết để phòng tránh các biến chứng tổn thương đến các cơ quan như: tim, thận, mắt… Người bệnh nên thường xuyên đến gặp bác sĩ để theo dõi và điều trị hiệu quả nhất. Trong quá trình điều trị bệnh cũng cần có chế độ ăn kiêng hợp lý để giúp đường huyết ổn định lâu dài hơn.
Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường