Thưa quý vị và các bạn!
Cây sả thường được các gia đình dùng như một thứ gia vị quen thuộc để chế biến nhiều món ăn khác nhau. Nhưng có thể nhiều người trong chúng ta chưa biết rằng: ngoài là một thứ gia vị tăng hương vị cho các món ăn, sả còn là một dược liệu quý hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh.
Tuy nhiên, để loại dược liệu quý này có thể phát huy hết các tác dụng của nó, chúng ta cần phải hiểu hết những công dụng mà sả có thể mang lại, cũng như là cách dùng hợp lý.
Thông qua việc trả lời các câu hỏi thường gặp với MC Thanh Giang dưới đây, tôi mong rằng sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về công dụng và cách dùng tinh dầu sả.
MC: Tinh dầu sả có thể được dùng như thế nào?
Bác sĩ: Tinh dầu sả ngoài làm gia vị chế biến thức ăn, có thể dùng để uống giúp làm khỏe đường tiêu hóa, có thể dùng để gội đầu, cũng có thể dùng để xoa bóp hay xông hơi có tác dụng thư giãn rất tốt, ngoài ra còn dùng để xịt quanh nhà nhằm xua đuổi côn trùng như kiến, gián, muỗi và bọ chét…
MC: Bác sĩ vừa nhắc đến sả có tác dụng làm khỏe đường tiêu hóa. Bác sỹ có thể nói rõ công dụng của sả với đường tiêu hóa không ạ?
Bác sĩ: Theo Đông y, cây sả có vị the, hơi cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, chống viêm, thông tiểu tiện, tiêu đờm. Vì vậy mà cây sả có thể giúp ta làm ôn ấm và khỏe đường tiêu hóa. Cụ thể là khi bạn gặp các triệu chứng của đường tiêu hóa yếu như: ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Bạn có thể dùng 30 – 50g sả tươi sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày hoặc dùng 3-6 giọt tinh dầu sả hòa với nước đun sôi để nguội uống để chữa trị các triệu chứng trên.
MC: Một số người nói rằng: sả có thể giúp làm giảm huyết áp. Thực tế có đúng như vậy không ạ?
Bác sĩ: Cây sả có tác dụng lợi tiểu, nhờ đó có thể làm giảm huyết áp. Tuy nhiên do bệnh cao huyết áp dễ gây ra các biến chứng đột ngột rất nguy hiểm, vì vậy bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị cao huyết áp sẽ an toàn và hiệu quả hơn. Và chúng ta dùng thêm sả như là thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ điều trị cao huyết áp.
MC: thường thấy sả thường được dùng để nấu nước gội đầu, vừa rất thơm mà lại mượt tóc. Có vẻ như là sả cũng là một tuyệt chiêu làm đẹp của phụ nữ đúng không ạ?
Bác sĩ: Việc làm đẹp hiện nay đang có xu hướng dùng các nguyên liệu từ thảo dược và gần gũi với thiên nhiên. Các chị em thường xuyên dùng sả hoặc có thể cho thêm vỏ bưởi, bồ kết… để nấu nước gội đầu sẽ giúp cho tóc không chỉ mượt, thơm mà còn làm sạch gầu và ít rụng hơn. Vì vậy mà cây sả có lẽ sẽ là một tuyệt chiêu làm đẹp mà các chị em cần quan tâm.
MC: Đa phần phụ nữ còn tin rằng, sả còn là một trong những thực phẩm giúp giảm cân khá hữu ích?
Bác sĩ: Như trên ta biết cây sả có tính ấm, khi dùng sả giúp cơ thể gia tăng quá trình tiêu hao năng lượng, từ đó làm giảm dần lượng mỡ tích tụ trong cơ thể. Bên cạnh đó tác dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu tiện, tiêu đờm của sả lại giúp cho cơ thể tăng cường bài tiết và đào thải từ đó giúp hạn chế sự hấp thu của các thành phần lipit có trong thức ăn vào đường ruột. Vì vậy, khi dùng sả thường xuyên cũng có tác dụng giảm cân đáng kể.
Ngoài ra, tính ấm của cây sả có tác dụng ôn kinh lạc giúp cho chị em tránh được cơn đau bụng kinh hoặc tình trạng rối loạn kinh nguyệt do hàn thấp ứ trệ gây ra.
MC: Trong căn phòng ngủ hoặc phòng tắm, nhiều gia đình vẫn thường đốt những chiếc đèn tinh dầu sả để giúp tinh thần sảng khoái, dễ chịu hơn. Điều này nếu làm thường xuyên có lợi hay hại gì cho sức khỏe thưa bác sĩ?
Bác sĩ: Sả có thể dùng làm gia vị, dùng làm thuốc chữa bệnh nên rất lành tính. Vì vậy, việc dùng tinh dầu sả trong phòng ngủ hay phòng tắm thường xuyên chắc chắn sẽ không gây hại cho sức khỏe. Trái lại, tinh dầu sả với mùi thơm dễ chịu, tươi mát không chỉ giúp ta khử mùi, tạo ra không thư giãn, thoải mái mà còn là giải pháp hữu hiệu để xua đuổi các loại côn trùng gây hại.
MC: Có vẻ như sả có rất nhiều công dụng tốt cho phụ nữ. Vậy với nam giới thì sao ạ?
Bác sĩ: Sả có tác dụng giải độc rượu rất nhanh. Với nam giới, khi bị say rượu, bạn có thể dùng sả giã nhỏ, vắt lấy nước uống sẽ nhanh chóng tỉnh và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.
MC: Cây sả có quá nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Khi dùng cây sả để chữa bệnh chúng ta cần lưu ý những gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ: Cây sả dùng làm gia vị, dùng làm đẹp, dùng để khử mùi, xua đuổi côn trùng đều rất tốt và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi dùng sả để chữa bệnh bạn cần lưu ý như sau: Do sả có tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi nên chỉ thích hợp dùng để trị các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. VD: Khi bạn bị cảm lạnh do đi mưa hoặc do nhiễm lạnh, có các triệu chứng như: sợ lạnh, rét run, không ra mồ hôi, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ho, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, đờm trong loãng bạn có thể dùng sả xông hoặc sắc uống giúp giải cảm hàn rất tốt.
Tính ấm và tác dụng làm ra mồ hôi của sả sẽ làm hao khí và tân dịch nên các trường hợp cơ thể hư nhược và các chứng bệnh do nhiệt gây ra như: cảm nhiệt hay cảm nắng chúng ta không nên dùng sả uống hoặc xông.
MC: Vậy cuối cùng xin bác sĩ cho khán giả hiểu thêm việc dùng tinh dầu sả như thế nào mới đúng cách, phát huy tác dụng tối đa?
Bác sĩ: Các loại tinh dầu nói chung đều có đặc điểm là rất dễ bay hơi ở nhiệt độ cao. Vì vậy nếu bạn dùng tinh dầu để uống hoặc xông hơi, xông tắm thì chúng ta nên cho tinh dầu vào sau cùng sau khi đã đun xong nước sôi. Và chúng ta cũng đừng quên đậy kín nắp sau mỗi lần sử dụng tinh dầu sả. Như vậy sẽ giúp ta phát huy được các tác dụng của tinh dầu sả một cách tốt nhất.
Cảm ơn bác sỹ với những chia sẻ vừa rồi. Chúc bác sỹ sức khỏe, luôn hạnh phúc trong cuộc sống
Sau đây là cách chế biến tinh dầu sả đơn giản mà quý vị có thể tự thực hiện tại nhà:
– Xếp các khúc sả vào đến ngang nửa một hũ thủy tinh.
– Sau đó, dùng một lượng rượu Vodka hoặc rượu đế loại tốt, pha với một lượng nước tương đương thành một dung dịch đổ vào vừa ngập mặt sả.
– Nếu không sử dụng được rượu thì có thể thay hỗn hợp rượu-nước bằng giấm ăn.
– Lưu ý các cọng sả phải ngâm ngập trong dung dịch. Chỉ cần một cọng sả nhú lên khỏi mặt dung dịch thì sản phẩm sẽ rất mau hỏng.
– Kế tiếp, đậy nắp hũ lại, lắc nhẹ rồi đặt nơi thoáng mát, không có ánh sáng.
– Sau 3 ngày, bỏ cả phần nước và phần sả vào máy xay nhuyễn rồi cho vào hũ, đậy nắp và đặt lại chỗ cũ trong vòng 3 tuần.
Tiếp đó là dùng vải lọc lấy phần nước và bỏ phần bã. Cần vắt kỹ phần bã lấy hết nước, bỏ vào lọ sạch, đậy nắp kín để sử dụng dần.
Quý vị thân mến! Quý vị có thể thấy đấy, thuốc ở quanh ta. Những loại thực phẩm rất quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của chúng ta nếu biết dùng đúng cách, đúng liều lượng thì sẽ trở thành những liều thuốc quý cho sức khỏe.
Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường trong chương trình “Nhịp sống 365” trên kênh SCTV4
Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường
(Trích trong mục “Sắc màu cuộc sống” trong chương trình “Nhịp sống 365” trên kênh SCTV4)