Theo Đông y, bệnh hen phế quản là biểu hiện của đàm đọng ở đường hô hấp gây ra tức ngực, khó thở, tiếng thở khò khè, ngậm miệng thở đều có tiếng đàm.
Để xác định bệnh hen phế người ta thường dựa vào các dấu hiệu đặc trưng sau đây :
Triệu chứng báo trước là hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ.
Triệu chứng khi phát bệnh :
1. Ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau cơn hen thì hết các triệu chứng trên.
2. Khi thở ra, có tiếng cò cử mà bạn và người khác cũng nghe thấy .
Ngoài ra, tiền sử bản thân, hoặc người thân cùng huyết thống có bị bệnh hen phế quản hoặc bệnh dị ứng cũng là một trong những dấu hiệu xác định bệnh hen phế quản.
Nguyên tắc điều trị bệnh hen phế quản theo Đông y
Đông y chia hen phế quản làm 2 thể là hen hàn và hen nhiệt.
– Thể hen hàn thường có các triệu chứng sau: người lạnh, sắc mặt trắng bệch, đờm loãng có bọt dễ khạc, không khát, thích uống nóng, đại tiện nhão nát, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế.
– Thể hen nhiệt thường có các triệu chứng: người bứt rứt, sợ nóng, mặt môi đỏ, đờm dính và vàng, miệng khát thích uống nước lạnh, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày, mạch hoạt sác.
Theo Đông y, gốc của bệnh hen phế quản liên quan trực tiếp tới 3 Tạng Tỳ – Phế – Thận, do 3 tạng này suy yếu chức năng và không được điều hòa gây nên, cụ thể:
– Tạng Phế: Phế có công năng chủ xuất nhập khí. Phế rối loạn làm khí xuất nhập rối loạn gây nên khó thở. Cho nên trong bệnh hen phế quản, triệu chứng điển hình dễ thấy là cơn khó thở, khó thở ra, khó thở có chu kỳ, cơn khó thở bùng phát khi gặp các yếu tố kích thích như gió, ẩm, lạnh, bụi, mùi lạ, căng thẳng, mệt nhọc…
– Tạng Tỳ: Có chức năng vận hóa, chuyển biến hóa thức ăn. Khi lo nghĩ quá nhiều hoặc ăn uống không kiêng khem làm rối loạn công năng của tỳ. Chức năng chuyển hóa thức ăn của Tỳ rối loạn sẽ sinh đờm. Đờm dừng ở phế sẽ làm tắc nghẽn gây khó thở.
– Tạng Thận: Ngoài chức năng chủ cốt tạng thận còn chủ về thu nạp khí từ phế. Công năng thận suy yếu dẫn đến thận không nạp khí tốt làm khí ngược lên gây khó thở.
Nguyên tắc điều trị HPQ theo Đông y là điều trị vào gốc của bệnh. Thuốc Đông y điều trị HPQ thường có tác dụng tán hàn, giáng khí, tiêu đờm, trừ thấp, bổ phế thận, kiện tỳ. Quá trình điều trị bệnh nhằm nâng cao chức năng và điều hòa hoạt động giữa các tạng Tỳ – Phế – Thận bị suy yếu. Từ đó, đem lại sự cân bằng cho toàn thân, tăng sức đề kháng của cơ thể. Nhờ vậy, mà hạn chế được cơn hen tái phát, dần dần trị dứt điểm được bệnh HPQ.
Trong điều trị bệnh hen phế quản quan trọng nhất là phòng chống cơn hen tái phát. Kết hợp Đông y và Tây y trong điều trị bệnh hen PQ sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất, vì Tây y với các dạng thuốc xịt có tác dụng làm giản phế quản nhanh, có ưu điểm cắt cơn hen cấp tính nhanh chóng. Khi qua cơn hen cấp thì điều trị dự phòng lâu dài bằng Đông y có ưu điểm là tránh được các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Tây như: loét dạ dày tá tràng , loãng và xốp xương, đồng thời giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng từ đó mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa cơn hen tái phát.
>>>Bệnh hen phế quản và các câu hỏi thường gặp
Phương pháp xử trí cơn hen cấp
Nhằm hạn chế tối đa việc phải nhập viện hoặc tử vong do cơn hen phế quản, bệnh nhân cần xử trí đúng cơn hen phế quản ngay từ đầu.
Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của cơn hen, việc cần làm đầu tiên là tránh xa (nếu có thể được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện, đó là những yếu tố gây nên tình trạng dị ứng ví dụ như phấn hoa, lông thú vật, mùi khói thuốc lá, hóa chất… Bước tiếp theo là sử dụng thuốc tùy theo mức độ cơn hen.
Nếu cơn hen phế quản nhẹ hoặc vừa (các triệu chứng của hen chỉ có khi hoạt động, khi gắng sức): thì dùng ngay thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh (phổ biến nhất là Salbutamol dạng hít, xịt):
– Xịt họng 1 – 2 nhất.
Nếu BN không thể tự sử dụng đúng cách bình xịt được thường là trẻ em, người lớn tuổi thì phải dùng buồng đệm, hay sử dụng máy phun khí (ví dụ Salbutamol 2,5 – 5mg/lần). Tiếp theo nới lỏng quần áo và ngồi yên trong một giờ và theo dõi xem có dễ thở hơn không? Có giảm khò khè? Có giảm ho? Có bớt nặng ngực không?
– 20 phút sau, nếu vẫn không giảm thì lặp lại lần 2 (2 nhát/lần).
– 20 phút vẫn không giảm thì xử trí như cơn hen phế quản nặng.
Nếu cơn hen phế quản nặng (các triệu chứng không giảm hoặc nặng hơn sau khi hít thuốc giãn phế quản, khó thở cả khi nghỉ ngơi, không thể nói hết câu): gọi điện ngay cho bác sĩ hoặc đi đến bệnh viện, trong khi đó vẫn tiếp tục xịt 2 liều thuốc giãn phế quản và uống 1 liều thuốc corticoid.
Điều quan trọng nhất mà bệnh nhân cần nhớ là phải mang theo thuốc cắt cơn dạng ống hít bên mình mọi lúc mọi nơi dù bệnh hen đã được kiểm soát hoàn toàn hay chưa để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, bệnh nhân tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc cắt cơn. Trong trường hợp bệnh nhân có cơn hen phế quản nhiều lần trong một tuần có nghĩa là bệnh hen chưa được kiểm soát, khi đó nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và chỉnh liều thuốc điều trị duy trì phù hợp.
Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường