Cột sống của chúng ta do nhiều đốt sống ghép lại. Giữa các đốt sống lại được ngăn với nhau bởi những đĩa đệm. Đĩa đệm có tính đàn hồi nằm giữa các đốt sống làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương. Cấu trúc của đĩa đệm bao gồm có bao xơ bên ngoài, cấu tạo từ các vòng sợi dai, chắc và nhân nhầy ở dạng keo bên trong. Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau chấn thương, gắng sức hoặc do đĩa đệm bị thoái hóa dẫn đến nứt rách đĩa đệm. Sau đó, nhân nhày trong đĩa đệm thoát vị ra ngoài chui vào ống sống chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ thần kinh xung quanh gây nên các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm.
Cơn đau do thoát bị đĩa đệm thường tái phát nhiều lần, mỗi đợt kéo dài khoảng 1-2 tuần, sau đó lại khỏi. Có khi đau âm ỉ hoặc đau dữ dội, đau tăng khi ho, hắt hơi, cúi. Ngoài ra còn có cảm giác kiến bò, tê cóng, như kim châm xung quanh vùng bệnh. Các triệu chứng này làm giảm rõ rệt khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Khi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, người bệnh thường có triệu chứng như: Đau vùng cổ, gáy, vai, dọc theo cánh tay. Tê cánh tay, bàn tay, các ngón tay. Teo, yếu cơ cánh tay, ngón tay.
Đối với thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng, các triệu chứng thường gặp là: Đau, tê vùng thắt lưng, mông, dọc theo đùi, cẳng chân, bàn chân. Teo, yếu cơ đùi, cẳng chân, bàn chân.
Thoát vị đĩa đệm nếu không được sớm điều trị sẽ để lại những di chứng sau:
Thoát vị đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống gây các triệu chứng đau, tê, teo cơ, liệt cơ, khó và mất khả năng vận động các chi.
Trong trường hợp đĩa đệm thoát vị gây chèn ép nặng vào tuỷ cột sống khiến người bệnh có thể bị tàn phế do bị liệt.
Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cũng có thể dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Các chi dần bị teo cơ, có thể mất khả năng lao động và vận động.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thoát vị đĩa đệm
+ Do tư thế sai trong lao động, vận động và bê vác vật nặng.
+ Do chấn thương cột sống như tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…
+ Do thoái hóa tự nhiên: Những người ở độ tuổi từ 30 đến 60 có nguy cơ bị thoát vị cao nhất do những thành phần nước và đàn hồi bên trong nhân tủy sẽ giảm đi theo tuổi. Đồng thời đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, dễ rạn nứt và có thể rách.
+ Do các bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống
Hơn 90% trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống có thể điều trị bằng nội khoa Tây y hoặc Đông y. Chỉ những trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc do tai nạn, chấn thương nghiêm trọng gây liệt do bị tổn thương mạnh đến tủy, rễ thần kinh… mới chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.
+ Điều trị bằng nội khoa Tây y: thường dùng các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol; giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam… uống, tiêm hoặc bôi tại chỗ. Các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận… Các thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống. Có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12; các thuốc giảm đau thần kinh như neurontin. Các thuốc giảm đau chống viêm loại steroid như prednisolon, dexamethason… đường toàn thân không có chỉ định dùng vì có nhiều tác dụng phụ.
+ Điều trị bằng nội khoa Y học cổ truyền:
Theo lý luận của Y học cổ truyền, nhân nhày đĩa đệm khi thoát ra ngoài sẽ gây bế tắc kinh lạc, lâu ngày sẽ khô cứng làm ứ trệ kinh lạc mà dẫn đến đau tê. Vì vậy, các bài thuốc cổ truyền như “thông kinh hoạt lạc”, “chỉ thống” (giảm đau), “hoạt huyết hóa ứ” đã được dùng để điều trị thoát vị đĩa đệm rất hiệu quả và đã lưu truyền từ cho tới nay.
Đối với những trường hợp bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận (thận chủ cốt tủy, gan chủ gân cơ) mà dẫn đến thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống sẽ dùng bài thuốc cổ truyền “bổ gan thận” để cường kiện gân cốt, hoặc kết hợp với bài thuốc “kiện tỳ dưỡng vị” để điều trị thoát vị đĩa đệm cho các trường có tiền sử viêm loét dạ dạ dày…Tùy theo cơ địa của bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ gia giảm hợp lý.
Ngoài ra, Y học cổ truyền còn kết hợp với châm cứu để làm tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống. Khi kim châm vào các huyệt cạnh cột sống có đĩa đệm bị thoát vị sẽ kích thích các dây thần kinh làm giãn cơ, giảm áp lực chèn ép lên rễ thần kinh, để nhân nhày có thể thu vào từ từ và giảm đau.
Thông thường thời gian điều trị khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm bằng y học cổ truyền khi vừa mới phát bệnh là khoảng 1-2 tháng. Các trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, cơ thể suy nhược, bệnh để lâu năm thời gian điều trị sẽ lâu hơn khoảng 3-6 tháng.
Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường